Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !” 8 Đức Giê-su bảo : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng !” 11 Nhưng anh đáp : “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : ‘Anh hãy vác chõng mà đi !’” 12 Họ hỏi anh : “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’ ?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói : “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
Đó là Lời Chúa!
Thưa: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa
Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước gọi là Bết-da-tha… Ở đó có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Chúa Giê-su biết anh ta sống trong tình trạng ấy đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5,2.5-6)
Suy niệm: Đó là những lời đầu trong trình thuật phép lạ của Chúa tại hồ Bết-da-tha. Chúng ta có ngạc nhiên về cách trả lời thờ ơ của người bệnh: Phải chăng sau ba mươi tám năm dài đằng đẵng, anh ta đã mất hết hy vọng? Khỏi bệnh hay không, đối với anh có lẽ cũng thế thôi. Biết đâu, cứ như thế này mà lại hay: dù sao anh đã quen với cảnh sống này rồi… Anh thờ ơ ngay cả khi được khỏi bệnh: vác chõng mà đi, không cần tìm hiểu người vừa chữa lành mình là ai – trông thật bất cần đời. Thậm chí đến khi bị những người Pha-ri-sêu tra vấn ai là người đã chữa cho anh, anh mới tìm hiểu điều đó và trả lời một cách hờ hững như thể là ông Giê-su ấy không có liên quan gì đến anh nữa. Nhưng coi chừng! Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật đáng sợ: “Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.”
Mời Bạn: Lời cảnh báo đó có thể cũng “ứng nghiệm” vào chính mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại biết bao lần chúng ta lãnh nhận Bí tích Hoà Giải, thế nhưng, có những thứ tội chúng ta cứ tái phạm hoài. Phải chăng đó là dấu chúng ta chưa ăn năn dốc lòng chừa cho thật?
Chia sẻ: Vì sao có nhiều người, cách riêng các bạn trẻ “dị ứng” với việc lãnh nhận bí tích hoà giải?
Sống Lời Chúa: Trong những dịp sám hối mùa Chay, bạn hãy quyết tâm chừa bỏ hẳn một tật xấu mà bạn hay phạm nhất.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn Năn Tội” và xin ơn được ăn năn tội thật lòng.
Lạy Chúa,/ Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng./ Chúa đã dựng nên con,/ và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con,/ mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa,/ thì con lo buồn đau đớn,/ cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự;/ con dốc lòng chừa cải,/ và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội / cùng làm việc đền tội cho xứng./ Amen.
- Lc 12,35-38: THẬT LÀ PHÚC CHO NHỮNG ĐẦY TỚ KHI CHỦ VỀ MÀ THẤY ĐANG TỈNH THỨC.
- Lc 12,13-21: ANH EM PHẢI COI CHỪNG, PHẢI GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM
- Mc 10,35-45: CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ HIẾN MẠNG SỐNG LÀM GIÁ CHUỘC MUÔN NGƯỜI.
- Mt 13, 54-58: ÔNG CHẲNG PHẢI LÀ CON BÁC THỢ MỘC SAO (dùng trong ngày lễ cầu cho công ăn việc làm)
- Lc 12,8-12: NGAY TRONG GIỜ ĐÓ, THÁNH THẦN SẼ DẠY CHO ANH EM BIẾT NHỮNG ĐIỀU PHẢI NÓI
- Lc 12,1-7: TÓC TRÊN ĐẦU ANH EM CŨNG ĐƯỢC ĐẾM CẢ RỒI
- Lc 10,1-9: LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG MÀ THỢ GẶT LẠI ÍT.
- Lc 11,42-46: KHỐN CHO CÁC NGƯỜI PHA-RI-SÊU! KHỐN CHO CẢ CÁC NGƯỜI NỮA, HỠI CÁC NHÀ THÔNG LUẬT
- Lc 11, 37-41: HÃY BỐ THÍ, THÌ MỌI SỰ SẼ NÊN TRONG SẠCH CHO CÁC ÔNG
- Lc 11,29-32: THẾ HỆ GIAN ÁC NÀY SẼ KHÔNG ĐƯỢC THẤY DẤU LẠ NÀO, NGOÀI DẤU LẠ ÔNG GIÔ-NA.